TCVN 4498:1988 -PT BẢO VỆ TẬP THỂ CHỐNG BỨC XẠ ION HÓA – YÊU CẦU KỸ THUẬT

TIÊU CHUẨN QUỐC GIA

TCVN 4498:1988

PHƯƠNG TIỆN BẢO VỆ TẬP THỂ CHỐNG BỨC XẠ ION HÓA – YÊU CẦU KỸ THUẬT

Collective protecting equipments from ionizing radiation – General technical specification

Lời nói đầu

TCVN 4498:1988 do Viện nghiên cứu Khoa học kỹ thuật Bảo hộ lao động biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường trình duyệt, Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) ban hành.

Tiêu chuẩn này được chuyển đổi năm 2008 từ Tiêu chuẩn Việt Nam cùng số hiệu thành Tiêu chuẩn Quốc gia theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và điểm a khoản 1 Điều 6 của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 1/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.

 

PHƯƠNG TIỆN BẢO VỆ TẬP THỂ CHỐNG BỨC XẠ ION HÓA – YÊU CẦU KỸ THUẬT

Collective protecting equipments from ionizing radiation – General technical specification

Tiêu chuẩn này áp dụng cho các phương tiện bảo vệ tập thể chống bức xạ ion hóa (gọi tắt là phương tiện bảo vệ) nhằm để bảo đảm an toàn bức xạ đối với người lao động khi sản xuất, sử dụng chất phóng xạ và những nguồn bức xạ ion hóa khác.

1. Phân loại

1.1. Phương tiện bảo vệ được phân loại theo mục đích sử dụng như sau:

Phương tiện bảo vệ chống chiếu ngoài;

Phương tiện bảo vệ chống chiếu trong;

Phương tiện bảo vệ chống chiếu hỗn hợp (gồm chiếu trong và chiếu ngoài);

Các phương tiện bảo vệ khác.

CHÚ THÍCH Các thuật ngữ dùng trong tiêu chuẩn này xem ở Phụ lục.

1.2. Phương tiện bảo vệ chống chiếu ngoài từ các nguồn kín được phân loại theo mục đích sử dụng như sau:

Thiết bị che chắn;

Thiết bị phòng ngừa.

1.2.1. Thiết bị che chắn được phân loại theo phương pháp bảo vệ như sau:

Thiết bị che chắn khô (bao gồm thiết bị che chắn cố định và thiết bị che chắn di động).

Thiết bị che chắn lỏng;

Thiết bị che chắn hỗn hợp (giữa khô và lỏng).

1.2.2. Thiết bị phòng ngừa được phân loại theo mục đích sử dụng như sau:

Rào che chắn bắt buộc;

Rào che chắn hạn chế.

1.3. Phương tiện bảo vệ chống chiếu trong của các nguồn phóng xạ hở được phân loại theo phương pháp bảo vệ như sau:

Thiết bị bao kín;

Lớp bao phủ bảo vệ;

Thiết bị làm sạch không khí và chất lỏng;

Phương tiện tẩy xạ.

1.3.1. Thiết bị bao kín được phân loại theo đặc điểm cấu tạo như sau:

Buồng bảo vệ;

Tủ bảo vệ;

Tủ bảo quản;

Capsun.

1.3.2. Lớp bao phủ bảo vệ bằng các loại vật liệu khác nhau được phân loại như sau:

Sơn;

Pôlyme;

Kim loại;

Gốm;

Thủy tinh;

1.3.3. Thiết bị làm sạch không khí và chất lỏng được phân loại theo phương pháp làm sạch như sau:

Thiết bị thông gió;

Thiết bị lọc;

Thiết bị làm ngưng tụ;

Thiết bị tạo liên kết.

1.3.4. Phương tiện tẩy xạ được phân loại theo dạng vật liệu sử dụng như sau:

Dung tịch tẩy xạ;

Vật liệu tẩy xạ khô.

1.4. Phương tiện bảo vệ chống chiếu hỗn hợp bao gồm các phương tiện nêu trong Điều 1.2 và 1.3 được sử dụng kết hợp.

1.5. Các phương tiện bảo vệ khác được phân loại như sau:

Thiết bị kiểm tra tự động và báo hiệu;

Thiết bị thao tác từ xa;

Phương tiện bảo vệ khi vận chuyển và bảo quản tạm thời chất phóng xạ;

Phương tiện chứa chất thải phóng xạ;

Biển báo nguy hiểm bức xạ.

1.5.1. Thiết bị kiểm tra tự động và báo hiệu được phân loại theo đặc điểm cấu tạo như sau:

Thiết bị khóa tự động;

Thiết bị báo hiệu.

1.5.2. Phương tiện bảo vệ khi vận chuyển và bảo quản tạm thời chất phóng xạ được phân loại như sau:

Contenơ;

Hệ bao bì.

1.5.3. Phương tiện chứa chất thải phóng xạ được phân loại như sau:

Phương tiện chứa chất thải phóng xạ rắn;

Phương tiện chứa chất thải phóng xạ lỏng.

1.5.4. Biển báo nguy hiểm bức xạ được phân loại như sau:

Dấu hiệu nguy hiểm bức xạ;

Bảng chữ báo nguy hiểm bức xạ.

2. Yêu cầu kỹ thuật chung

2.1. Khi chế tạo hoặc cải tiến các phương tiện bảo vệ phải tuân theo các định mức kỹ thuật và chỉ tiêu về độ an toàn đã được xét duyệt và phù hợp với các yêu cầu của tiêu chuẩn này.

2.2. Phương tiện bảo vệ phải đảm bảo cho người lao động không tiếp xúc trực tiếp với chất phóng xạ và phải giảm tác động của bức xạ ion hóa đến người lao động tới mức cho phép được quy định trong TCVN 4397:1987.

2.3. Phương tiện bảo vệ phải được chế tạo bằng các vật liệu chịu được hóa chất thuốc thử dung dịch axit và kiềm dùng giải hấp, có bề mặt nhẵn có lớp bao phủ chịu được ẩm, kém hấp thụ và dễ tẩy xạ.

2.4. Thiết bị bao kín dùng để làm việc với nguồn phóng xạ hở phải bền vững trước tác động cơ học hóa học, nhiệt độ hoặc tác động kết hợp của chúng và phải phù hợp với điều kiện sử dụng.

2.5. Phương tiện bảo vệ tiếp xúc tới dung dịch phóng xạ phải được chế tạo bằng những vật liệu không bị ăn mòn.

2.6. Phương tiện bảo vệ dùng khi vận chuyển và bảo quản tạm thời chất phóng xạ phải có bề mặt chỗ nối khớp nhẵn và tiếp xúc đều, bền chắc cơ học, kích thước và cấu tạo của chúng được xác định theo trạng thái, số lượng hoạt độ và tính chất hóa học, lý học của chất phóng xạ.

2.7. Cấu tạo của contenơ và hệ bao bì dùng vận chuyển, và bảo quản tạm thời cho phóng xạ phải đảm bảo khả năng cơ giới hóa việc xếp dỡ chúng từ các phương tiện vận chuyển.

2.8. Việc lắp đặt và vận hành thiết bị điện của các phương tiện bảo vệ phải tuân theo TCVN 3144:1979 và TCVN 4114:1985.

Khi sử dụng các thiết bị điện trong trường bức xạ ion hóa mạnh cần phải tính đến tác động của nó đến các thiết bị này.

2.9. Biển báo nguy hiểm bức xạ phải tuân theo TCVN 4397:1987 và phải được bố trí ở những vị trí dễ quan sát, có khả năng nhìn thấy rõ ở khoảng cách ít nhất là 3 m.

PHỤ LỤC

Thuật ngữ và giải thích về các khái niệm sử dụng trong tiêu chuẩn.

Thuật ngữ

Giải thích

1. Rào che chắn bắt buộc Phương tiện bảo vệ chống bức xạ ion hóa dùng để hướng dẫn nhân viên khi đi vào khu vực nguy hiểm bức xạ.
2. Rào che chắn hạn chế Phương tiện bảo vệ nhằm ngăn ngừa những người không có nhiệm vụ đi vào khu vực có thể nguy hiểm bức xạ.
3. Buồng bảo vệ Thiết bị bảo vệ chống bức xạ ion hóa, cố định, thông thường là một cái chụp bằng bê tông hoặc là một phần của gian nhà, được bao phủ bởi các vật liệu ít hấp thụ chất phóng xạ, có độ kín đảm bảo, dùng để tiến hành những công việc trong môi trường khí loãng, có sử dụng thiết bị thao tác từ xa.
4. Tủ bảo vệ Thiết bị bảo vệ chống bức xạ ion hóa, di động, thông thường là một cái chụp bằng kim loại được bao phủ bởi một vật liệu ít hấp thụ chất phóng xạ, có độ kín đảm bảo, dùng để tiến hành những công việc trong môi trường khí loãng có sử dụng thiết bị thao tác từ xa.
5. Tủ bảo quản Thiết bị bảo vệ chống bức xạ ion hóa dùng để cất giữ chất phóng xạ.
6. Capsun Dụng cụ chứa đựng chất phóng xạ, kín khí nhằm ngăn ngừa chất phóng xạ rò ra môi trường bên ngoài.
7. Thiết bị tạo liên kết Thiết bị dùng để loại bẩn phóng xạ trong các dung dịch thải bằng cách cố định bẩn phóng xạ vào các vật liệu thích hợp thường là vật liệu trao đổi ion.